CÔNG NGHỆ THI CÔNG HẦM QUA NÚI
Hầm giao thông qua núi là loại công trình đặc biệt trên đường nhằm rút ngắn hành trình cho phương tiện.
Hầm giao thông qua núi là loại công trình đặc biệt trên đường nhằm rút ngắn hành trình cho phương tiện. Việc lựa chọn vị trí hầm, đặc biệt là cửa hầm rất phức tạp phụ thuộc vào cấu tạo các lớp địa chất. Cửa hầm thường được chọn tại khu vực có tình trạng địa chất ổn định, ít sụt trượt.
Có nhiều công nghệ đào hầm qua núi, trong đó công nghệ NATM (New Austrian Tunneling Method) là phương pháp thi công hầm dưới mặt đất sử dụng tất cả những phương tiện có thể để phát triển khả năng tự chống đỡ lớn nhất của đất, đá nhằm có được sự ổn định khi tiến hành khoan mở dưới lòng đất.
NATM được phát triển từ những năm 1960. Ý tưởng chính của phương pháp này là sử dụng ứng suất địa chất của khối đá xung quanh làm cho hầm tự ổn định. Căn cứ vào các số liệu địa chất đo được tính toán nên một tiết diện ngang tối ưu. Việc đào ngay lập tức được bảo vệ bằng lớp bê tông phun mỏng, ngay phía sau phần đào. Điều này tạo ra một vòng khuyên chịu tải tự nhiên làm giảm thiểu sự biến dạng của đá. Tùy theo môi trường đất đá xung quanh và kích thước hầm người ta xây dựng các kết cấu chống đỡ trong quá trình đào hầm, hệ thống chống đỡ kết cấu cùng đá núi xung quanh tạo thành kết cấu chịu lực vĩnh cửu cho công trình